Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Truyện Ngắn: Rudolfio - Valentin Rasputin

RUDOLFIO

Tác giả: Valentim Rasputin
*****
Lần gặp gỡ đầu tiên xảy ra trên tàu điện. Cô khẽ đẩy vai anh, khi anh choàng tỉnh, cô chỉ tay qua cửa sổ và bảo:

- Anh phải xuống rồi đấy.

Tàu dừng, anh chen ra cửa rồi nhảy xuống theo cô. Cô hoàn toàn còn là một cô bé con, tuổi chỉ chừng mười lăm, mười sáu, không hơn! Điều này anh nhận ra ngay lập tức khi nhìn thấy khuôn mặt tròn bầu bĩnh của cô đang hướng về phía anh chờ được cám ơn.

- Cám ơn nhé – anh nói, - tẹo nữa thì anh đi quá bến...

Cảm thấy nói như vậy là chưa đủ, anh liền thêm:

- Ngày hôm nay thật điên khùng, anh mệt quá. Mà đến 8 giờ lại còn có người hẹn gọi điện nữa chứ. Em cứu anh một bàn thua đấy.

Có lẽ là cô bé mừng rỡ, và hai người cùng chạy sang đường, cùng ngoái lại nhìn chiếc ô tô vừa chạy vút qua. Tuyết vẫn rơi và anh nhận thấy bộ gạt nước đang quét tuyết trên kính chắn gió. Mỗi khi tuyết rơi - những bông tuyết mềm mại, tựa như đâu đó ở trên cao rồi rắc xuống những con chim tuyết lạ thường - thì thật sự chả muốn về nhà ngay. “Mình nghe điện thoại rồi sẽ lại ra đường”, anh nghĩ thế rồi quay sang cô, phân vân không biết nói gì, bởi lẽ im lặng quá lâu thì thật là bất tiện. Nhưng anh chẳng hiểu với cô thì nên nói gì, không nên nói gì, vậy nên anh cứ băn khoăn suy tính để cuối cùng, cô bé nói trước:

- Em biết anh rồi!

- Ra vậy đấy? – Anh ngạc nhiên, - Làm sao em biết được?

- Anh ở nhà số 112, còn em ở số nhà 114. Trung bình cứ một tuần hai lần chúng ta cùng đi chung tàu điện. Có điều... anh không để ý đến em thôi.

- Hay đấy nhỉ.

- Có gì mà hay? Chẳng có gì hay cả. Người lớn các anh thì chỉ chú ý đến người lớn thôi, tất cả bọn anh đều ích kỷ kinh khủng. Hãy nói đi... có phải thế không nào?

Cô bé quay đầu sang bên phải để liêc chéo anh từ bên trái, phía dưới lên. Anh chỉ hắng giọng mà không nói câu gì bởi lẽ anh vẫn chưa biết nên đối xử như thế nào với cô, nói gì và không thể nói gì với cô bé.

Họ đi cùng nhau trong im lặng, cô thì mắt nhìn thẳng phía trước, thế rồi cứ vừa nhìn thẳng như thế, cô vừa nói một câu tỉnh khô.

- Anh chưa xưng tên đấy nhé.

- Em cần biết lắm à?

- Cần chứ. Mà có gì đặc biệt đâu? Không hiểu sao một số người cứ cho rằng nếu em muốn biết tên ai đó thì nhất định là em có ý gì đó với người ấy.

- Được thôi, - anh nói. – Anh hiểu rồi. Nếu em cần thì anh nói, tên anh là Rudolf,

- Cái gì?

- Rudolf

- Rudolf, - cô bé bật cười.

- Gì thế?

Cô cười to hơn khiến anh phải dừng bước nhìn sang.

- Ru - dolf, - cô tròn môi lại nói, rồi lại lăn ra cười. – Ru - dolf. Em nghe cứ như người ta gọi tên voi trong chuồng thú ấy.

- Cái gì?

- Anh đừng giận, - cô đập vào tay áo anh. – Nhưng mà buồn cười, thật đấy! Tên anh nghe buồn cười lắm. Sao mà em không cười được.

- Em trẻ con ghê! - anh bực bội nói.

- Tất nhiên là trẻ con rồi, còn anh thì rõ là người lớn.

- Em bao nhiêu tuổi?

- Mười sáu

- Còn anh 28

- Thì em đã nói rồi: anh là người lớn, tên anh là Rudolf.

Cô gái lại cười thành tiếng, vừa cười vừa thích chí ngước mắt từ phía trái sang nhìn anh.

- Còn tên em là gì? – Anh hỏi

- Tên em à? - Anh không đoán được đâu.

- Anh cũng chẳng đoán đâu

- Mà có đoán cũng chẳng trúng. Tên em là Iô.

- Cái gì?

- Iô

- Anh chẳng hiểu cái quái gì hết ?!

- Iô. Có gì đâu. I trong im lặng, ô là cái ô ấy mà, Iô!

Sự ngỡ ngàng đến thật đột ngột. Không kìm được, anh cười phá lên, người lắc lư từ phía trước ra phía sau như quả chuông. Chỉ cần nhìn vào mặt cô là anh lại cười vang to hơn nữa.

- I - ô, - anh lúng búng từ trong cuống họng, - I - ô.

Cô bé nhìn quanh chờ đợi, đến chừng anh thôi cười cô mới giận dỗi nói:

- Buồn cười hả anh? Có gì mà buồn cười, Iô, - một cái tên bình thường như những cái tên khác.

- Xin lỗi nhé, - anh cúi xuống với cô, mỉm cười, - Anh thấy buồn cười thật. Thôi, thế là hoà nhé.




Cô gật đầu.

Khu nhà cô gái hiện ra phía trước, còn nhà anh phía sau. Đến cổng vào, cô hỏi:

- Số điện thoại của anh thế nào?

- Em biết mà làm gì? – anh nói.

- Anh sợ à?

- Đâu phải thế.

- Người lớn sợ hết mọi thứ trên đời

- Đúng vậy, - anh đồng ý.

Cô tháo găng để lộ bàn tay thon thả và chìa ra cho anh, bàn tay nhẹ nhàng và lành lạnh... Anh nắm tay cô.

- Thôi chạy vào nhà đi, Iô.

Anh lại bật cười.

Chạy đến cửa cô dừng lại.

- Bây giờ trên tàu điện anh sẽ nhận ra em chứ?

- Còn phải nói, tất nhiên...!

- Hẹn chuyến tàu tới... – Cô giơ tay lên quá đầu,

- ...Chuyến tàu chúng ta cùng đi, - anh thêm.

Hai ngày sau anh đi công tác lên phương Bắc tới tận hai tuần mới về lại thành phố. Ở đây, anh đã cảm thấy ngay cái hương vị say nồng của mùa xuân đang đến, nó đang thổi bay - như tro bụi - những vẻ mơ hồ mờ mịt của mùa đông. Sau những ngày ở phương Bắc mù sương, anh về đây thấy cái gì cũng trong sáng hơn, âm vang hơn, thậm chí cả cái tàu điện.


Về đến nhà, vợ anh gần như mách luôn:

- Ở nhà ngày nào cũng có một cô bé gọi điện đến đấy.

- Cô bé nào nữa nhỉ? – anh thờ ơ và mệt mỏi hỏi.

- Biết đâu được, em tưởng anh biết chứ.

- Đâu có...

- Cô ấy làm em phát chán.

- Hay thật đấy nhỉ, - anh gượng cười.

Anh đang tắm thì chuông điện thoại réo gọi. Vọng qua cửa là tiếng vợ anh trả lời: “Về rồi, đang tắm, vâng, lát nữa nhé!”. Đến lúc anh sắp đi ngủ thì lại nghe tiếng chuông điện thoại réo.

- Tôi đây, - anh đáp.

- Rudik, chào anh, thế là anh về rồi đấy à! - một giọng mừng rỡ vang lên trong tai nghe.

- Xin chào, - anh thận trọng đáp, - Ai thế nhỉ?

- Anh không nhận ra à? Chán quá, Rudik...Em đây, Iô.

- Iô, - anh nhớ ra và bất giác cười to, - xin chào, Iô, em đặt cho anh cái tên hay quá.

- Hay chứ, anh thích không?

- Ngày xưa, hồi anh bằng em bây giờ, người ta cũng gọi anh như thế.

- Ấy, đừng lên mặt nhé.

- Đâu nào, cái cô bé này...




Hai người cùng im lặng, rồi thì không dừng được, anh hỏi:

- Có chuyện gì thế, Iô?

- Rudik, cái chị ấy là ai thế, vợ anh à?

- Ừ.

- Sao anh không bảo em rằng anh có vợ rồi?

- Xin lỗi em, - anh nói với giọng hài hước, - anh đâu biết rằng chuyện ấy lại quan trọng.

- Quan trọng chứ. Thế anh... có yêu chị ấy không?

- Yêu chứ, - anh đáp, - Iô, em nghe này: đừng gọi điện cho anh nữa nhé.

- Anh - sợ - rồi, - cô gái dài giọng, - Rudik, anh đừng nghĩ gì nhé. Tất nhiên anh cứ sống với chị ấy, nếu anh muốn, em sẽ không phản đối. Nhưng bảo em không gọi điện thì cũng không nên. Biết đâu em có việc cần thì sao.

- Việc gì? , - anh vừa cười vừa hỏi.

- Việc gì á? Uhm...Uhm...thí dụ, có một bài toán bơm nước từ bể này sang bể kia mà em không giải được chẳng hạn, - cô chống chế, - khi đó được chứ gì?

- Anh chả biết

- Tất nhiên là được. Còn chị ấy thì anh đừng sợ, Rudik, chúng mình hai người, còn chị ấy chỉ có một mình.

- Sợ ai? – anh không hiểu.

- Vợ anh ấy.

- Tạm biệt nhé, Iô

- Anh mệt à?

- Ừ

- Thôi vậy, tóm lấy tay em một cái rồi ngủ đi nhé.

- Ừ, tóm tay em một cái...

- Mà này... đừng có nói chuyện với chị ấy nữa nhé

- Được rồi, - anh cười, - sẽ không nói nữa.




Còn chưa thôi cười, anh quay sang chỗ vợ:

- Đấy là Iô, - anh nói, - tên cô bé ấy là thế đấy. Hay nhỉ?

- Hay thật, - vợ anh đáp với vẻ chờ đợi.

- Cô ấy không giải được bài toán có hai bể nước. Cô bé học lớp bảy lớp tám gì đó, anh cũng chẳng nhớ.

- Anh giải cho cô ấy à?

- Không, - anh đáp, - Anh quên hết rồi, mà hai bể nước - đấy thật sự là bài toán phức tạp.

Mới sáng chuông điện thoại đã réo. Mà đã sáng đâu cơ chứ... chưa có tý ánh sáng nào cả, thành phố vẫn còn đang say giấc mơ cuối cùng trước lúc rạng sáng. Rudolf ngồi dậy nhìn ngôi nhà đối diện – chưa một ô cửa nào có chút ánh sáng, chỉ có những chiếc cổng như chiếc kèn harmonica lấp lánh ánh sáng của kim loại thành bốn hàng thẳng tắp. Chuông vẫn réo không ngừng. Bước tới điện thoại, Rudolf nhìn đồng hồ: mới có năm rưỡi.

- Tôi nghe đây, - anh cáu kỉnh nói.

- Rudik, Rudik...

Anh rít lên:

- Iô, có quỷ mới biết được cái thứ này là cái gi?

- Rudik, - cô cắt lời anh, - anh nghe đây, đừng giận, anh chưa biết có chuyện gì xảy ra đâu.

- Chuyện gì?, - anh đứng lặng hỏi.

- Rudik, bây giờ anh không còn là Rudik nữa, anh là Rudolfiô rồi...- Cô trang trọng tuyên bố. – Rudol-fiô! Hay quá phải không? Em vừa mới nghĩ ra đấy. Rudolf và Iô hợp lại thành Rudolfiô, giống như người Ý ấy, anh nhắc lại đi xem nào.

- Rudolfiô, - Giọng nói của anh trộn lẫn sự tuyệt vọng và giận dữ.

- Đúng rồi. Bây giờ anh và em có chung một tên – chúng mình không tách khỏi nhau, như Romeo và Juliete ấy. Anh là Rudolfiô, em cũng là Rudolfiô.

- Nghe này, - anh nói khi đã bình tĩnh trở lại, - Chẳng lẽ em không thể gọi vào một giờ hợp lý hơn được hay sao?

- Sao anh không hiểu rằng em không thể chờ đợi được. Thế đấy. Lát nữa, đằng nào anh chả dậy. Rudolfiô, anh nhớ nhé, bảy rưỡi em chờ anh ở bến tàu điện.

- Hôm nay anh không đi tàu điện.

- Sao vậy?

- Anh được nghỉ bù

- Nghỉ bù là thế nào?

- Nghỉ bù ấy mà, một ngày nghỉ ngoài lịch, anh không phải đi làm.

- À ra thế, - cô bé nói, - Vậy em thì sao?

- Anh biết sao được. Em cứ đi học, thế thôi.

- Thế vợ anh cũng nghỉ à?

- Không.

- Thôi vậy, cũng chẳng sao. Nhưng anh đừng quên: bây giờ tên chúng ta là Rudolfiô.

- Rất hân hạnh!


Anh đặt máy, rủa thầm một tiếng rồi đi đặt ấm nước. Bây giờ có đi nằm cũng không ngủ lại được. Hơn nữa ngôi nhà đối diện đã có 3ô cửa sổ bật đèn.

Buổi trưa có một người gõ cửa. Anh đang lau nhà. Khi ra mở cửa, tay anh vẫn còn cầm khăn ướt mà trước đó không hiểu sao anh không nghĩ bỏ nó vào một chỗ.

Hoá ra là cô.

- Chào anh, Rudolfiô!

- Em đấy à? – anh ngạc nhiên, - Có chuyện gì thế?

- Em cũng nghỉ bù.

Gương mặt cô như gương mặt thiên thần – không một dấu vết lương tâm cắn rứt.

- Lại thế nữa! – Anh lấy vẻ dõng dạc đáp – Em trốn học hả! Thôi đã đến thì vào nhà đi. Anh lau xong ngay bây giờ.

Không bỏ áo khoác, cô gái ngồi xuống ghế bành bên cạnh cửa sổ nhìn anh đẩy khăn trên sàn nhà.

- Rudolfiô, em thấy anh thật bất hạnh trong cuộc sống gia đình, - cô tuyên bố sau một phút suy nghĩ.

Anh đứng thẳng lên:

- Em căn cứ vào đâu?

- Rất dễ thấy. Chẳng hạn, anh chẳng có vẻ gì hứng thú với việc lau nhà, những người hạnh phúc đâu có như vậy.

- Đừng bịa chuyện nhé, - anh cười đáp

- Thế anh bảo anh hạnh phúc à?

- Anh sẽ chẳng nói gì cả

- Thấy chưa.

- Em bỏ áo ra cho thoải mái.

- Em sợ anh, - cô nói khi quay mặt ra cửa sổ.

- Cái gì, em nói gì?

- Còn gì nữa, anh là đàn ông.

- À ra thế, - anh cười. - Vậy tại sao em còn dám đến đây?

- Tại anh và em đã là Rudolfiô rồi mà.

- Ừ nhỉ, - anh nói, - Anh cứ quên khuấy đi... Hẳn điều đó đặt ra cho anh một số trách nhiệm.

- Tất nhiên.

Cô yên lặng ngồi trong lúc anh khua xô loảng xoảng trong bếp. Nhưng khi anh bước ra thì áo măng tô của cô đã khoác lên lưng ghế, còn gương mặt Iô đượm vẻ suy tư rầu rĩ.

- Rudolfiô, hôm nay em khóc đấy, - cô bỗng thổ lộ.

- Vì sao, Iô?

- Không phải là Iô, mà là Rudolfiô

- Ừ, vì sao khóc, Rudolfiô?

- Tại chị gái em, chị ấy làm ầm lên, khi em quyết định trốn học.

- Theo anh, chị ấy đã đúng

- Không, Rudolfiô, không đúng, - cô đứng dậy đi ra cạnh cửa sổ, - Một lần trốn học thì có thể được, các vị không hiểu sao. Bây giờ em thấy thật hạnh phúc khi được nói chuyện với anh...


Cô bé lại im lặng và anh chăm chú ngắm nhìn cô. Qua lần vải áo, đôi bầu ngực cô như ngượng ngùng nhô lên, giống như hai tổ chim nho nhỏ mà không hiểu loài chim gì đan bện để nuôi con nhỏ. Anh nhận thấy rằng chỉ một năm nữa thôi, khuôn mặt cô sẽ dài ra và trở nên xinh xắn, và anh cảm thấy buồn rầu khi nghĩ rằng cùng với thời gian, đến lúc cô sẽ có chàng trai của mình. Anh bước đến gần, nắm lấy vai cô cười bảo:

- Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp

- Có thật không, Rudolfiô?

- Thật

- Em tin anh, - cô nói.

- Uhm....

Anh định bước đi, nhưng cô gọi lại:

- Rudolfiô!

- Gì em?

- Sao anh lấy vợ sớm thế? Chỉ cần hai năm nữa là em có thể đến với anh được.

- Đi đâu mà vội, - anh nói,- rồi em sẽ lấy được một chàng trai tuyệt vời.

- Em thích lấy anh cơ...

- Chàng trai ấy sẽ hơn anh nhiều.

- Thật á?..., - cô kéo dài giọng vẻ ngờ vực, - Anh nghĩ rằng có người hơn anh à?

- Hơn một ngàn lần ấy chứ.

- Nhưng người ấy lại không phải là anh, - cô bất giác thở dài

- Thôi, chúng ta đi uống trà đi còn hơn, - anh mời

- Vâng

Anh vào bếp đặt nước.

- Rudolfiô!


Cô đứng cạnh giá sách.

- Anh, chúng mình có một cái tên đẹp nhất. Anh thấy đấy, nhà văn cũng không có đuợc cái tên ấy, - cô ngừng lại một giây, - có lẽ chỉ có tên một nhà văn này là hay: Ex-zu-pe-ri, phải không anh?

- Đúng, - anh nói, - Em đã đọc ông ta chưa?

- Chưa

- Em cầm lấy mà đọc. Nhưng không được trốn học nữa, đồng ý chứ?

- Đồng ý.

Cô lấy áo măng tô ra mặc.

- Thế còn trà?, - anh nhớ ra

- Rudolfiô, có lẽ em về thì hơn ? - Nụ cười của cô trở nên rầu rĩ, - Nhưng anh đừng nói với chị ấy là em đến nhé. Được chứ, Rudolfiô?

- Được thôi, anh hứa.

Cô gái đi rồi, anh chợt cảm thấy man mác trong lòng; trong anh tràn ngập một nỗi buồn khó tả, chưa thể bộc bạch ra ngoài... Anh mặc áo rồi bước ra phố.

Mùa xuân ập đến ngay hầu như không báo trước. Chỉ vài ngày mọi người đã thấy thoải mái hơn, mấy ngày ấy như thời kỳ quá độ từ lúc chờ mong cho đến khi sự thành, bởi vì những giấc mơ xuân như nhà tiên tri đã báo truớc cho con người hạnh phúc, tình yêu.


Trong những ngày ấy, vào một chiều tối, khi Rudolf đang về nhà thì có một người đàn bà đứng tuổi giữ anh lại.

- Tôi là mẹ của Iô, - bà nói. – Xin lỗi, hình như anh tên là Rudolfiô.

- Vâng ạ, - anh mỉm cười nhận cái tên ấy.

- Tôi biết anh qua con gái tôi. Gần đây nó nói đến anh nhiều, nhưng tôi...

Bà chợt ngắc ngứ, và anh hiểu rằng bà khó lòng hỏi được cái điều cần hỏi của một bà mẹ.

- Bác đừng lo, - anh nói, - cháu với Iô có một tình bạn hết sức tốt đẹp và không thể có điều gì xấu xa được.

- Tất nhiên, tất nhiên, - bà tỏ ra luống cuống, vội vã, - nhưng Iô là một con bé ương bướng, nó chẳng chịu nghe chúng tôi. Nếu anh nói mà nó nghe...Xin anh hiểu cho tôi..., vào cái lứa tuổi này cũng thật đáng sợ, nó có thể làm những điều ngốc nghếch. Ngoài ra, tôi còn lo một điều là nó không có một bạn gái trong đám cùng lớp, và nói chung trong cả cái đám cùng tuổi.

- Thế thì đáng lo thật

- Tôi hiểu, tôi nghĩ rằng anh bảo được nó...

- Để cháu nói chuyện với Iô, - anh hứa, - nhưng theo cháu, Iô là một cô bé ngoan, bác đừng lo ngại như thế.

- Tôi cũng không biết nữa.

- Chào bác, cháu sẽ nói chuyện với cô ấy. Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.

Anh quyết định gọi điện ngay cho cô, nhất là lúc ấy vợ anh đi vắng.

- Anh Rudolfiô! – Rõ ràng là cô rất vui. - Anh gọi điện cho em đấy à, tuyệt thật! Rudolfiô, mà này, em lại khóc đấy.

- Không được khóc nhiều như thế, - anh nói.

- Tại cái quyển “Hoàng tử nhỏ” đấy. Em thương quá. Liệu có một hoàng tử thật như thế không nhỉ?

- Theo anh thì có.

- Theo em thì cũng có. Nhưng chúng ta thì không biết. Điều ấy đáng sợ lắm. Nếu không có Ex-zu-pe-ri thì chúng ta chẳng bao giờ biết đến cậu bé hoàng tử này. Ông ấy có cái tên đẹp như chúng ta là phải.

- Đúng đấy.

- Em còn nghĩ một điều này: cậu ta cứ làm hoàng tử bé mà lại hay, Thật khủng khiếp nếu như bống nhiên cậu ta lớn thành một người bình thường. Mà người bình thường thì nhiều quá rồi còn gì nữa.

- Anh không biết

- Nhưng em thì biết, đúng thế.

- Thế còn cuốn “Quê xứ người”, em đọc chưa?

- Em đọc hết rồi, Rudolfiô ạ. Theo em, Ex-zu-pe-ri là một nhà văn rất minh mẫn, thậm chí phát kinh khủng lên được. Mà lại tốt bụng nữa. Anh có nhớ không: người ta chuộc ông Bark ra khỏi cuộc đời nô lệ, cho ông ta tiền, thế mà ông ta lấy số tiền ấy mua giầy cho trẻ con để rồi tay trắng lại hoàn tay trắng.

- Phải rồi, - anh nói, - em có nhớ Bonnafus khong? Cái người đã bòn rút và cướp của của người Ả rập, thế rồi họ vừa ghét vừa thương ấy.

- Bới vì không có hắn thì sa mạc cũng chỉ là một vùng đất hoang sơ rất mực tầm thường, mà có hắn thì hắn đã làm cho sa mạc trở nên hung hãn nhưng đầy thơ mộng.

- Em hiểu biết như thế thì cũng ghê đấy,- anh nói.

- Rudolfiô..., cô bống im bặt.

- Anh vẫn nghe đây, - anh nhắc.

Cô vẫn im

- Rudolfiô, - anh nói, không hiểu vì sao bỗng thấy lo âu, - em sang ngay anh nhé, anh đang ở nhà một mình.

Cô nhìn quanh rồi đến ngồi xuống ghế.

- Sao em im lặng thế? – anh hỏi

- Đi vắng hả anh?

- Vợ anh ấy à?

- Vâng

- Đi vắng rồi

- Chị ấy là một “bà chằn”!

- Cái gì?

- Bà chằn...

- Em kiếm đâu ra cái từ ấy?

- Kiếm trong tiếng Nga thôi. Đối với chị ấy không có từ nào hợp hơn cả.

- Iô, không được nói thế

- Không phải là Iô, mà là Rudolfiô

- Ừ nhỉ,

- Lúc nãy em gọi điện sang đây, có chị ấy nghe. Anh có biết chị ấy nói gì không? Chị ấy bảo là nếu là chuyện hai cái bể nước thì tốt nhất là đem hỏi cô giáo, chứ đừng quấy rầy anh. Em nghĩ là chị ấy ghen.

- Anh không nghĩ thế.

- Rudolfiô, em hơn đứt chị ấy, đúng không? Chỉ có điều là em chưa lớn hẳn thôi. Đối với em mọi điều còn ở phía trước.

Anh mỉm cười gật đầu.

- Anh thấy không? Theo em, đã đến lúc anh phải ly dị.

- Đừng nói nhảm nữa nào, - anh ngắt lời cô, - anh dễ tính với em quá rồi đấy.

- Vì tình yêu phải không?

- Không phải, vì tình bạn.

Cô nhíu mày lặng im, nhưng chỉ được trong chốc lát.

- Tên chị ấy là gì?

- Vợ anh ấy à?

- Vâng

- Tên là Klava

- “Klava – đẩy qua đẩy lại” (!)... hay thật! - Cô nhại...

Anh nổi giận

- Thôi đi

Cô đứng dậy, thoáng nhắm mắt lại rồi chợt nói:

- Rudolfiô, em không được bình thường, xin lỗi anh, em không muốn...

- Nhưng em đừng có gào lên, - anh chặn trước.

- Em không gào đâu.

Cô bước sang một bên, quay mặt ra cửa sổ.

- Rudolfiô, - cô nói, - chúng mình thỏa thuận thế này nhé: coi như hôm nay em không sang đây và không nói gì cả, được không?

- Được

- Anh hãy coi buổi gặp hôm nay chỉ là lời chào “tạm biệt” mà em nói với anh qua điện thoại.

- Đồng ý

Cô bước ra.

Năm phút sau, chuông điện thoại reo.

- Tạm biệt, Rudolfiô

- Tạm biệt.

Anh chờ nghe tiếp nhưng cô đã bỏ máy xuống.

Iô thôi không gọi điện nữa mà anh cũng lâu không gặp lại, vì anh lại ra đi để rồi tháng 5 mới trở về, khi mùa hè đã lấn lướt hẳn mùa xuân. Thời gian này, lúc nào anh cũng bận rộn, có nhớ đến cô, anh cũng đành gạt đi: ngày mai ta sẽ nói chuyện, rồi lại sang ngày kia, cứ thế rồi chẳng bao giờ nói cả.




Thế rồi họ gặp nhau thật là tình cờ, tất nhiên vẫn là trên tàu điện. Anh nhìn thấy cô và hối hả lách sang vì sợ cô xuống mất; do cô có thể xuống bên khác cũng được, còn anh thì hẳn là không dám nhảy xuống theo cô. Nhưng cô vẫn đứng trên tàu và anh thấy mình mừng rỡ quá mức so với những quan hệ bè bạn thông thường.

- Chào em, Iô, - anh đặt nhẹ tay lên vai cô và nói.

Cô sợ hãi quay lại, nhìn thấy anh, ngập ngừng rồi mừng rỡ gật đầu:

- Không phải Iô mà Rudolfiô, - cô chữa lại y như hồi trước, - Anh và em vẫn là bạn bè như xưa phải không?

- Rudolfiô, tất nhiên rồi.

- Anh vừa đi công tác à?

- Ừ

- Có một hôm em gọi điện, anh không có nhà

- Anh đã về được một tuần rồi.




Tàu đông chật người và hai người bị chen tới tới tấp. Họ phải đứng sát vào nhau, đầu cô chạm vào cằm anh, khi cô ngẩng mặt lên nói và anh cúi xuống nghe, họ phải đưa mắt nhìn đi chỗ khác vì khoảng cách gần quá.

- Rudolfiô. anh có muốn em nói một điều gì đó với anh không?

- Tất nhiên là muốn chứ

Cô lại ngẩng mặt lên sát với gần mặt anh, làm anh muốn nheo mắt lại.

- Vắng anh lúc nào em cũng thấy buồn, Rudolfiô ạ

- Đừng có dở hơi, - anh nói

- Em biết, - cô thở dài, - nhưng có điều chẳng bao giờ em buồn vì những người con trai khác, một thế kỷ nữa em cũng chả cần đến họ.

Tàu dừng lại và họ bước xuống.

- Anh về với Klava của mình chứ?, - cô hỏi.

- Không, mình đi dạo đi.

Họ vòng ra sông, nơi bắt đầu bãi cát, họ đi trên cái bãi trống chưa có đường mòn, phải nhảy qua các mô đất và các bãi rác, và anh phải nắm tay giúp cô vượt qua.

Cô im lặng. Điều ấy chẳng giống bản tính thường ngày của cô, nhưng cô vẫn im lặng và anh cảm thấy rằng cô cũng như anh, hai người đều khắc khoải một niềm xúc động - một niềm xúc động mạnh mẽ, dâng trào và không có gì kiềm chế được.

Họ ra đến bờ dốc và vẫn nắm tay nhau, họ nhìn xuống sông, nhìn tít xa sang bờ bên kia rồi lại nhìn xuống làn nước trên sông.

- Rudolfiô, - không kìm được nữa, cô nói, - em chưa bao giờ được hôn cả.

Anh cúi xuống hôn vào má cô.

- Vào môi cơ, - cô đòi.

- Chỉ có những người thân nhất mới hôn môi được, - anh bối rối.

- Thế còn em?

Cô rùng mình, còn anh hoảng sợ. Một giây sau anh chợt hiểu – không phải là cảm thấy mà là hiểu ra, - rằng cô đã tát anh, đúng là một cái tát, rồi cô bỏ chạy; cô chạy vẫn theo cái lối ấy qua bãi trống, qua những mô đất, vượt qua niềm xúc động và nỗi chờ mong.

Còn anh, anh đứng nhìn theo bước chân cô chạy, thậm chí không dám gọi cô, không dám chạy theo. Anh còn đứng đấy khá lâu, cảm thấy trống rỗng và tự căm giận chính mình.

Chuyện ấy xảy ra hôm thứ Bảy thì đến sáng Chủ nhật, mẹ cô gọi điện cho anh vào lúc sáng sớm:

- Rudolfiô, xin lỗi vì tôi đã đánh thức anh dậy...., - giọng bà rời rạc, run rẩy.

- Cháu nghe đây, - anh nói

- Rudolfiô, con bé Iô nhà tôi hôm qua không về nhà ngủ

Đáng lẽ anh phải trả lời một câu, nhưng anh im lặng.

- Chúng tôi lo quá, không biết làm thế nào, đây là lần đầu tiên...

- Trước hết bác hãy bình tĩnh cái đã, - cuối cùng anh nói, - có thể cô ấy ngủ ở nhà bạn.

- Tôi cũng không biết

- Hợp lý nhất là như thế, nếu hai tiếng đông hồ nữa không thấy Iô về thì chúng ta đi tìm. Có điều là bác phải bình tĩnh, hai giờ nữa cháu sẽ gọi điện lại cho bác.

Anh đặt ống nghe xuống, suy nghĩ một lát rồi tự nhủ: chính mình cũng phải bình tĩnh, chắc là cô ấy ngủ nhà bạn đấy. Nhưng anh không bình tĩnh được, ngược lại, anh cảm thấy bắt đầu hốt hoảng. Để đỡ trấn tĩnh lại, anh bước sang phòng xép, huýt sáo và lục bới đống sách vở học trò xưa cũ. Cuốn bài tập đại số không biết lẫn vào đâu, anh mải đi tìm và nhờ vậy cũng lãng quên được chốc lát.

Điện thoại vẫn im tiếng. Rudolf đóng cửa bếp và lật cuốn sách toán. Cái bài toán ấy đây rồi: nếu tháo nước từ bể này sang bể khác trong hai giờ....

Điện thoại vang lên:

- Em nó về rồi anh ạ, - mẹ cô không kìm được xúc động, bật khóc thành tiếng.

Anh đứng yên nghe.

- Rudolfiô, anh sang với chúng tôi nhé.

Bà bật khóc rồi nói thêm:

- Em nó có chuyện gì ấy anh ạ.
********************

Không xin phép, anh bỏ áo khoác lông , và mẹ cô im lặng đưa tay chỉ vào buồng cô.

Iô ngồi trêngiường, hai chân gập lại, người đung đưa trong khi mắt nhìn thẳng ra cửa sổ trước mặt.

- Rudolfiô! – Anh gọi

Cô quay lại phía anh mà không nói năng gì.

- Rudolfiô!

- Thôi đi, - Cô nhăn mặt khinh bỉ, - Anh mà là Rudolfiô? Anh là một anh chàng Rudolf tầm thường, một Rudolf tầm thường bậc nhất, anh hiểu không?

Lời nói như một đòn đánh cực mạnh đến nỗi toàn thân anh đau giội lên, nhưng anh vẫn buộc mình phải ở lại. Anh bước ra bên cửa sổ, chống tay lên bệ.

Cô vẫn đung đưa người từ trước ra sau và vẫn nhìn thẳng qua vai anh, lò so giường cô khẽ kêu cót két.

- Thôi được, - anh đồng ý với cô, - Nhưng hãy nói em ở đâu hôm qua?

- Anh cút đi! – Cô không quay người lại, trả lời mệt mỏi.

Anh gật đầu. Rồi anh lấy áo khoác từ giá treo xuống, không trả lời ánh mắt thăm dò của bà mẹ, anh xuống cầu thang và đúng là cút đi thật. Ngày Chủ nhật mới bắt đầu, người qua đường còn vắng, chẳng có ai giữ chân anh lại. Anh bước qua bãi cát, xuống bên bờ sông và bống suy nghĩ: đi đâu nữa bây giờ?

1965
Hết