Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

TÍNH CÁCH NGA - Alexei Tolstoy


Tính cách Nga! Cái nhan đề đó quả là quá lớn đối với một truyện ngắn. Nhưng biết làm sao, khi chính tôi lại muốn nói với anh về tính cách Nga.Tính cách Nga! Thật là khó mà khắc hoạ nổi… Kể về các chiến công anh hùng chăng? Nhưng những chiến công như vậy nhiều tới mức khiến tôi lúng túng - chẳng biết sẽ kể về chiến công nào. May sao một câu chuyện không dài lắm trong đời tư của một người tôi quen đã giúp tôi thoát khỏi thế bí. Tôi sẽ không kể chuyện anh ta đã chiến đấu với bọn phát xít như thế nào, mặc dù trên ngực anh lấp lánh những huân chương, trong đó có cả một huân chương sao vàng. Đó là một con người giản dị, trầm lặng, bình thường, nông trang viên của một làng ở lưu vực sông Vonga thuộc tỉnh Xaratốp. Nhưng so với những người khác, anh là người có thân hình lực lưỡng, cân đối và điển trai. Những khi nhô đấu lên khỏi tháp pháo xe tăng, người ta mê mải ngắm nhìn anh, đúng là một chiến thần!.

Anh nhẩy từ trên tháp pháo xe tăng xuống, tháo chiếc mũ công tác khỏi mái tóc quăn đẫm mồ hôi, lấy vạt áo rách lau bộ mặt lem luốc và thế nào cũng mỉm cười khoan khoái.

Trong chiến tranh, con người luôn gần kề cái chết,người ta trở nên tốt đẹp hơn, những điểu nhỏ nhặt vặt vãnh đều bong tuột đi như những lớp da bị rộp lên sau khi tắm nắng, và con người chỉ còn lại cái phần hạt nhân cốt lõi. Lẽ cố nhiên, ở người này cái hạt nhân rắn chắc hơn và ở người kia thì mềm nhược hơn, nhưng ngay cả ở những người hạt nhân có khuyết tật cũng đều cố gắng vươn lên và ai cũng muốn trở thành người tốt và đáng tin cậy. Anh bạn mà tôi quen, Êgô Đrêmốp, thì ngay trước lúc chiến tranh đã là người biết xử sự nghiêm túc, hết lòng yêu kính bà mẹ Maria Pôlicácpốpna và người cha Êgô Êgôrôvích: “Cha tôi là người đúng mực, và trước hết ông là một người biết tự trọng.” “Con ạ - ông nói - rồi con sẽ nhìn thấy nhiều điều trong cuộc đời, rồi con sẽ đi cả nước ngoài nữa, nhưng con hãy tự hào được là người Nga…”.

Cô bạn gái của anh cũng là người cùng làng trên bờ sông Vônga. Ở chỗ chúng tôi, người ta thường trò chuyện rất nhiều về người yêu, vợ con, đặc biệt là những phút im tiếng súng ngoài mặt trận, lúc trời lạnh giá và ngồi dưới hầm ăn bữa tối bên ngọn đèn dầu, bên bếp củi cháy lách tách. Lúc ấy thôi thì đủ chuyện - ai cũng phải giỏng tai lên mà nghe. Chẳng hạn: “tình yêu là gì?” Một người lên tiếng: “Tình yêu nảy nở từ sự kính trọng…”. Người thứ hai bác lại: “Không phải thế, tình yêu là một thói quen, người ta không chỉ yêu vợ, mà còn yêu cả bố mẹ, thậm chí cả các con vật nữa…” - “Chà, thật là ngớ ngẩn! - người thứ ba tiếp lời - tình yêu đấy là khi cậu cảm thấy mọi thứ trong người sôi sục, là khi con người chuếnh choáng hơi men…” Và mọi người cứ triết lý như thế hàng giờ, cho mãi tới khi đồng chí chuẩn uý, với giọng gấn như ra lệnh, phải can thiệp, mà cũng chẳng thể xác định thực chất của vấn đề… Hẳn là Êgo Đrêmốp, bẽn lẽn thẹn thùng về những chuyện ấy, anh chỉ nhắc qua với tôi về cô bạn gái, một cô gái tốt bụng,và nếu như cô ây nói là cô ấy sẽ chờ đợi thì cô ấy sẽ nhất định chờ, mặc dù anh trở về đã mất một chân… Đrêmốp cũng không thích kể về những chiến công. “Tôi chẳng thích nhớ đến những chuyện ấy!” Anh chau mày và hút thuốc. Chúng tôi chỉ được biết những chiến công của anh qua lời kể của anh em cùng kíp chiến đấu. Đặc biệt, anh lính lái xe tăng Tsuvilép đã kể nhiều chuyện ngạc nhiên về Êgo Đrêmốp.

-… Anh biết không, chúng tôi chỉ vừa kịp triển khai đội hình, tôi nhìn ra đã thấy xe tăng địch từ phía sau cái mỏm đồi thấp bò ra… Tôi hét lên: “Đồng chí trung uý, Con cọp!”-”tiến lên - trung uý quát - hết tốc độ!… “Tôi cho xe lẩn vào khu rừng thông non, ngoặt sang phải, rồi sang trái…. “Con cọp” chĩa nòng pháo ra như thằng mù, thành ra bắn trượt… Còn trung uý, trung uý đã nện ngay một phát vào sườn xe tăng địch, mảnh vụn bắn tung toé! Anh ấy bồi tiếp một phát nữa vào tháp pháo - thế là nòng pháo chổng ngược lên, tới phát thứ ba thì khói phì ra từ các khe hở và một ngọn lửa bùng lên cao đến trăm mét… Mấy thằng lính tăng Đức bò ra qua cửa phụ. Ivan Lápsin quất một tràng súng máy, chúng nó nằm đờ ra, giãy giụa… Anh có hiểu không, với chúng tôi thế là đường đã thông. Chỉ năm phút sau, xe tăng chúng tôi đã xông thẳng vào làng. Ở đây tôi đến chết mệt vì buồn cười… Bon phát xít bạ đứa nào đứa ấy chạy. Anh có biết không, đường làng thì lầy lội, có thằng đã văng mất cả ủng chỉ còn bít tất - nó chạy như ma đuổi! Chúng nó ùa về phía kho cỏ. Đống chí trung uý ra lệnh cho chúng tôi: “Phóng về phía kho cỏ”. Tôi quay tháp pháo trở lại, mở hết ga. Cha me ơi! Những rầm xà, những tấm ván, gạch ngói rơi xuống thành xe loảng xoảng, mấy thằng chó chết đang chúi đầu trong kho… Tôi nhấn ga cho xe lướt qua chà xát,mấy cánh tay chới với - thế là mấy thằng Hít-le đi đời…”

Đấy, trung uý Êgo Đrêmốp đã chiến đấu anh dũng như thế cho đến khi có chuyện rủi ro xảy ra với anh. Trong chiến dịch Cuốc-xcơ, khi bọn phát xít Đức đã kiệt sức và run rẩy, thì xe tăng của trung uý Đrêmốp đang ở trên cái gò giữa cánh đồng lúa mì, bị trúng đạn sau phát đạn thứ hai - xe tăng bốc cháy. Hai người trong kíp chiến đấu hy sinh. Chiến sĩ lái Tsuvilép đã chui ra khỏi xe tăng qua cửa trước, nhưng rồi anh lại trèo lên xe và kịp kéo trung uý Đrêmốp đã ngất lịm, quần áo cháy xém ra khỏi xe. Tsuvilép chỉ vừa kịp lôi Đrêmốp ra thì chiếc xe tăng đã nổ tung, mạnh tới mức làm tháp pháo văng ra xa tới năm mươi thước. Tsuvilép lấy hai tai bốc đất hất lên mặt, lên đầu Đrêmốp để dập tắt lửa. Rồi anh kéo Đrêmốp, bò qua nhiều hố đạn đại bác để tới trạm cứu thương…”Tại sao lúc đó tôi lại lôi trung uý đi à? - Tsuvilép nói - bởi vì tôi nghe thấy tim trung uý còn đập…”

Êgo Đrêmốp thoát chết, và thậm chí không bị hỏng mắt, cho dù anh bị bỏng nặng có chỗ trông thấy rõ cả xương. Tám tháng ròng Đrêmốp phải nằm ở viện quân y, các bác sĩ đã làm phẫu thuật chỉnh hình, nhờ thế mà hồi phục được môi, mũi, mi mắt và tai. Sau tám tháng, khi tháo băng Đrêmốp thấy bộ mặt của mình không còn giống như trước. Cô y tá, sau khi đưa cho anh mượn cái gương nhỏ, đã quay mặt đi và oà khóc. Đrêmốp lập tức đưa trả lại cho cô gái chiếc gương

- Nhiều khi còn tồi tệ hơn nữa kia, dù sao cũng còn là may - Đrêmốp nói - như thế này vẫn có thể sống được.

Từ lần ấy, Đrêmốp chẳng bao giờ hỏi mượn gương cô y tá nữa, anh chỉ lấy tay sờ lên mặt, hình như để cho quen dần. Hội đồng giám định cho rằng, giờ thì Đrêmốp chỉ còn có thể phục vụ ở đơn vị hậu cần mà thôi. Đrêmốp lập tức tới gặp thiếu tướng và nói: “Xin đồng chí cho phép tôi được trở lại trung đoàn”. “Nhưng đồng chí bây giờ là thương binh kia mà” - thiếu tướng nói. “Không đúng, tôi bị tàn tật thật, nhưng điều đó chẳng hề cản trở công việc, tôi sẽ phục hồi hoàn toàn khả năng chiến đấu”. (Êgo Đrêmốp nhận thấy rằng, trong lúc tiếp chuyện anh, thiếu tướng cố ý không nhìn vào mặt anh, song anh chỉ nhếch mép cười). Đrêmốp được nghỉ phép hai mươi ngày để phục hồi sức khoẻ, anh quyết định về nhà thăm bố mẹ. Lúc ấy là tháng Ba vừa rồi.

Lúc xuống ga xe lửa, Đrêmốp cứ chắc mẩm sẽ thuê được xe ngựa, nhưng rồi anh đã phải cuốc bộ mười tám véc-xta. Tuyết vẫn phủ trắng xoá, trời ẩm ướt, con đường vắng lặng, gió lạnh thổi tung vạt áo choàng, và tiếng gió vun vút bên tai gợi lên một nỗi buồn hiu quạnh. Đrêmốp về tới làng lúc trời đã nhá nhem. Cái giếng đầu làng với chiếc gầu múc nước đang đung đưa kẽo kẹt. Ngôi nhà thứ sáu kia là nhà cha mẹ anh. Thốt nhiên, Đrêmốp lắc lắc đầu. Anh đi theo lối tắt về nhà. Đrêmốp đứng trong đám tuyết ngập đến đầu gối, nhìn vào cửa sổ, - dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn vặn nhỏ, mẹ anh đang lúi húi dọn bữa ăn tối. Mẹ vẫn đôi cái khăn màu đen ấy, vẫn lặng lẽ, trầm tĩnh và hiền hậu. Mẹ đã già hơn, đôi vai gầy nhô cao lên… “Chao ôi, nếu như con biết thế này, thì con sẽ viết thư cho mẹ mỗi ngày một lá, dù chỉ đôi dòng…” Mẹ đặt mấy món ăn sơ sài lên bàn - cốc sữa, miếng bánh mì, hai cái thìa, lọ muối - rồi mẹ đứng trước bàn, khoanh đôi tay gầy guộc lên trước ngực và trầm tư. Êgo Đrêmốp ngắm mẹ qua cửa sổ, anh hiểu rằng không nên làm mẹ sợ hãi, không nên để nét mặt nhăn nheo của mẹ phải run rẩy tuyệt vọng. Thôi được! Drêmốp mở cổng và đi vào sân, anh khẽ gõ cửa. Bà mẹ hỏi vọng ra: “Ai đó?” - Anh đáp:”Trung uý, Anh hùng Liên Xô Grômốp”.

Đrêmốp hồi hộp, tim đập thình thịch, đứng tựa vai vào then cài cửa. Không, mẹ đã không nhận ra giọng nói của anh. Cả anh nữa, dường như đây là lần đầu tiên anh nghe thấy giọng nói đã thay đổi sau bao lần phẫu thuật của mình - giờ đây nó đã trở nên đùng đục, khàn khàn nghe không rõ nữa.

- Ôi chao, anh cần gì vậy? - bà mẹ hỏi.

- Cháu muốn chuyển lời hỏi thăm của thượng uý Đrêmốp tới bà Maria Pôlicácpốpna. Bà mẹ vội vã mở cửa và bước lại nắm lấy hai tay anh.

- Thằng Êgo nhà tôi còn sống chứ anh? Nó khoẻ chứ? Ôi chao, anh vào nhà đi chứ.

Êgo Đrêmốp ngồi xuống chiếc ghế dài bên bàn, đúng chỗ mà anh vẫn ngồi lúc nhỏ, lúc chân anh còn chưa chấm đất và mẹ anh vẫn thường vuốt ve mái tóc quăn quăn của anh, rồi nói: “Ăn đi con yêu của mẹ”. Và Đrêmốp bắt đầu kể cho bà nghe về đứa con trai của bà, về chính mình, anh kể tỉ mỉ - Êgo ăn ra sao, uống thế nào, chằng thiếu thứ gì, luôn khoẻ mạnh và vui vẻ, anh kể vắn tắt về các trận chiến đấu mà anh cùng chiếc xe tăng của mình đã tham dự.

- Cháu nói đi, ở ngoài mặt trận khủng khiếp lắm phải không? - bà Maria Policácpốpna ngắt lời và đưa đôi mắt màu thẫm nhìn thẳng vào anh, nhưng vẫn không nhận ra con mình.

- Vâng tất nhiên là khủng khiếp lắm, mẹ ạ, nhưng chúng con đã quen rồi.

Cha anh đã về, ông Êgo Êgôrôvích, mấy năm qua cũng đã yếu đi nhiều. Râu cằm ông đã bạc phơ cả. Đưa mắt nhìn khách, ông dậm chân trong đôi ủng rách ở bậc cửa, thong thả cởi khăn và áo ấm, rồi bước lại bên bàn chìa bàn tay cho khách - ôi chao, cái bàn tay quen thuộc, to rộng và cần cù của bố! Ông Êgo Êgôrôvích không hỏi gì, bởi lẽ chẳng cần hỏi cũng rõ người khách ngực đầy huân chương tại sao ngồi đây, ông ngồi xuống ghế, mắt lim dim, lắng nghe.

Trung uý Đrêmốp, mà cả nhà không nhận ra, càng ngồi kể lâu hơn về mình và về những người khác, thì anh càng cảm thấy mình không sao có thể thú nhận được, có nghĩa là, đứng lên và nói: bố mẹ ơi, xin hãy nhận lấy đứa con trai bị tàn tật!… Anh cảm thấy sung sướng và dễ chịu được ngồi bên chiếc bàn của bố mẹ, nhưng cũng cảm thấy buồn bực.

- Nào, ta ăn bữa tối đi thôi, bà nó mang thứ gì ra đãi khách đi.

Ông Êgo Êgôrôvích mở chiếc tủ cũ kỹ mà góc bên trái còn có những chiếc lưỡi câu đựng trong bao diêm - tất cả vẫn còn đó - và cái ấm pha trà sứt vòi kia nữa - nó vẫn được đặt ở chỗ sực nức mùi bánh mì vụn và vỏ hành khô. Êgô Êgôrovích lấy bình rượu ra - cũng chỉ vừa đủ hai cốc và thở dài vì không sao kiếm được nhiều hơn. Họ cùng ăn tối như những ngày trước. Chỉ trong khi ăn, trung uý Đrêmốp mới nhận thấy rằng mẹ anh đặc biệt chú ý bàn tay cầm thìa của anh. Anh gượng cười, bà mẹ ngước mắt lên, nét mặt run rẩy, đau khổ. Họ nói với nhau về những chuyện này, chuyện nọ, chuyện mùa xuân năm nay sẽ ra sao, dân làng có làm nổi một vụ mùa không, và chuyện chiến tranh rồi sẽ kết thúc vào mùa hè năm nay.

- Bác Êgo Êgôrôvích, do đâu mà bác nghĩ rằng chiến tranh sẽ kết thúc vào mùa hè này.

- Nhân dân đã nổi giận - Êgo Êgôrôvích đáp - họ đã vượt qua được cái chết,và bây giờ thì chẳng thể ngăn được nữa, quân Đức sẽ đi đời.

Bà Maria Pôlicácpốpna hỏi:

- Anh vẫn chưa nói, khi nào thằng Êgo nhà tôi nghỉ phép về thăm nhà. Đã ba năm nay tôi không nhìn thấy nó. Hẳn là giờ đây nó đã lớn lắm rồi, chắc là đã để ria mép… Vậy mà ngày ngày phải liền kề với cái chết, giọng nói của nó bây giờ hẳn là ồm ồm đấy nhỉ?

- Vâng, anh ầy thế nào chắc cũng được về phép, và biết đâu hai bác chẳng thể nhận ra - Đrêmốp nói.

Bà Maria Pôlicácpốpna sắp chỗ cho Đrêmốp ngủ trên bếp lò, ở đó, anh vẫn còn nhớ từng viên gạch, từng khe hở của bức tường ghỗ ghép, từng cái sẹo gỗ trên trần nhà. Cái mùi bánh mì, mùi lông cừu thân quen cho tới lúc chết cũng không sao quên được. Những trận gió tháng Ba lộng thổi trên nóc nhà. Êgô Êgorôvích ở buồng bên đã ngáy nhè nhẹ. Còn bà Maria Policácpốpna thì vẫn trở mình trằn trọc. Đrêmốp nằm sấp, úp mặt vào lòng bàn tay: “Chẳng lẽ mẹ lại không nhận ra mình - Đrêmốp tự nhủ - Chẳng lẽ mẹ lại không nhận ra? Mẹ ơi,mẹ ơi…”

Tiếng củi cháy lách tách buổi sáng đã làm cho Đrêmốp tỉnh dậy, bà Maria Pôlicácpốpna đang lặng lẽ nhóm bếp, hai miếng vải bọc chân của anh đã được giặt sạch, phơi trên dây, đôi ủng được rửa sạch đặt bên cửa.

- Cháu có thích bánh bột kê không? - Bà Maria hỏi.

Đrêmốp không trả lời ngay, anh tụt xuống khỏi bếp lò, mặc áo sơ mi, thắt dây lưng và cứ để chân đất ngồi xuống ghế.

- Bác Maria Pôlicácpốpna, cô Cachia Malưsêva vẫn còn ở làng ta chứ? Cô Cachia con gái ông Anđrây Xtêphanôvích Malưsép ấy.

- Nó mới ra trường năm ngoái, hiện là cô giáo ở làng này. Cháu cần gặp Cachia à?

- Anh Đrêmốp bảo cháu thế nào cũng phải chuyển tới cô ấy lời hỏi thăm.

Bà Maria nhờ một đứa bé gái hàng xóm chạy đi gọi Cachia. Đrêmốp còn chưa kịp đi giày thì Cachia Malưsêva đã tới. Đôi mắt to màu xám của cô long lanh, đôi lông mày nhíu lại vì ngạc nhiên và gò má ửng đỏ vì sung sướng. Khi cô gái đẩy cái khăn trùm đầu xuống vai, Đrêmốp thầm nói với mình: ôi chao, giá mà được hôn lên mái tóc vàng óng và ấm áp này… Anh vẫn thường hình dung Cachia đúng như thế - tươi tắn, hiền dịu, vui vẻ, phúc hậu và xinh đẹp - khi cô bước vào, căn nhà như sáng rực hẳn lên…

- Anh chuyển tới em lời chào của anh Êgo phải không? (Êgo đứng xây lưng lại về phía ánh sáng và chỉ gật đầu bởi anh không thể nói được lên lời). Đêm ngày em vẫn mong đợi anh ấy, xin anh nói giùm với anh Êgo như vậy…

Cachia bước lại gần. Cô đưa mắt nhìn anh và thót ngực lại vì sợ hãi. Ngay lúc ấy, Đrêmốp đã quyết định thế nào ngày hôm nay anh cũng sẽ ra đi.

Bà Maria đã nướng xong những chiếc bánh bột kê trộn sữa đặc. Và anh lại kể về trung uý Đrêmốp, nhưng lần này anh kể về những chiến công của trung uý - anh kể một cách nghiêm túc và cũng chẳng hể ngoảnh mặt về phía Cachia để khỏi phải nhìn thấy bóng dáng nét mặt tàn tật của mình phản chiếu trên gương mặt xinh đẹp của cô gái. Ông Êgo Êgôrôvích lo đi mượn xe ngựa nông trang - nhưng Đrêmốp lai cuốc bộ ra ga, như khi trở về nhà. Anh cảm thấy đau lòng về tất cả những chuyện đã xảy ra, có lúc,thậm chí anh đứng dừng lại, lấy tay tát thẳng vào mặt mình và lẩm bẩm bằng một giọng khàn khàn: “Giờ thì biết làm sao đây?”.

Êgo Đrêmốp trở về trung đoàn lúc đó đang đóng sâu trong hậu cứ, để chuẩn bị đi bổ sung chiến đấu. Đồng đội đón anh với niềm vui chân thành, đến mức Đrêmốp quên đi những điều phiền muộn đã làm anh không ăn, không ngủ, không thở. Anh quyết định: cứ để cho mẹ chậm biết tới nỗi bất hạnh của con trai càng lâu càng tốt. Nhưng còn về phần Cachia - cần phải bứt cái rằm ấy ra khỏi trái tim thôi.

Hai tuần lễ sau, Đrêmốp nhận được thư của mẹ:

“Con trai yêu quí của mẹ. Mẹ sợ ngay cả việc phải viết thư cho con, mẹ cũng chẳng biết phải nghĩ thế nào nữa. Có một người ở đơn vị con vừa ghé thăm nhà ta, anh ấy là một người rất tốt, chỉ có điều có bộ mặt dễ sợ. Lúc đầu anh ấy định ở lại nhà ta một thời gian, nhưng rồi đột nhiên anh ấy lại đi ngay. Từ hôm ấy, đêm đêm mẹ không làm sao chợp mắt được - mẹ cứ nghĩ là chính con đã về nhà. Bố con cứ mắng mẹ về chuyện ấy và trách mẹ lẩm thẩn: nếu như đó là con trai chúng ta, lẽ nào nó lại không nói thật. Việc gì nó phải giấu, nếu như nó chính là thằng Đrêmốp nhà ta - một bộ mặt như cái anh đã về nhà ta là một bộ mặt đáng tự hào. Bố con khuyên nhủ mẹ như thế, nhưng trái tim của mẹ thì lại cứ đinh ninh: con đấy, chính con đã về thăm nhà! Anh ta nằm ngủ trên bếp lò, và mẹ đã mang áo của anh ấy ra sân và chải sạch, mẹ đã úp mặt vào áo và oà lên khóc. Đúng là con, đây chính là áo của con! Êgo, con hãy viết thư cho mẹ đi, lạy Chúa, kẻo không thì mẹ phát điên lên mất, đầu đuôi mọi chuyện là thế nào? Chẳng nhẽ mẹ đã lẩn thẩn rồi sao…”.

Êgo Đrêmốp đưa lá thư cho tôi, Ivan Xuđarép, anh vừa kể lại tất cả mọi chuyện vừa lấy tay áo lau nước mắt. Tôi bảo anh ta: “Mình đã nói mà, cái tính cách của cậu nó kỳ quái lắm! Thật là ngốc, ngốc hết sức, cậu phải viết thư ngay về cho mẹ và xin lỗi mẹ, kẻo không mẹ cậu sẽ phát điên lên… Mẹ cậu cần chi tới cái vẻ ngoài của cậu! Bây giờ cậu như thế này thì mẹ cậu lại còn yêu cậu hơn trước kia đấy”.

Ngay ngày hôm đó, Đrêmốp viết một lá thư: “Bố mẹ kính yêu, xin tha lỗi cho con vì cái tội ngu xuẩn ấy, chính là con, con trai của bố mẹ hôm ấy…” Cả bốn trang giấy đặc những chữ nhỏ li ti và anh còn có thể viết được hai chục trang nữa kia.

Ít lâu sau, một hôm, tôi cùng Êgo đang ở trường bắn thì một chiến sĩ chạy tới: “Báo cáo đồng chí đại uý, có người hỏi đồng chí…” Và mặc dù đồng chí chiến sĩ đứng nghiêm báo cáo đúng như điều lệnh, nhưng vẻ mặt của anh ta là vẻ mặt của một người sắp được đánh chén. Chúng tôi đi về thị trấn, đến ngôi nhà mà tôi và Đrêmốp đang ở. Tôi thấy Đremốp có vẻ luống cuống, cứ dặng hắng liên tục… Tôi thầm nghĩ: “Lính xe tăng, lính xe tăng gì mà dễ xúc động thế?” Hai chúng tôi bước vào nhà, và tôi nghe thấy: “Mẹ ơi, con đây!”

Một bà lão bé nhỏ ngã vào ngực anh. Tôi liếc nhìn, hoá ra ở đây còn có một thiếu nữ nữa. Nói thực lòng, có thể còn có những thiếu nữ đẹp ở các vùng khác nữa, nhưng riêng tôi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cô gái đẹp như thế.

Đrêmốp buông mẹ ra, bước lại gần cô gái ấy, và tôi lai nhớ đến cái vẻ ngoài của một chiến thần: “Cachia! - Đrêmốp nói - Cachia, cô tới đây làm gì? Cô hứa sẽ đợi một người khác, chứ đâu phải một người như thế này…”

Dù đã ra phòng ngoài, tôi vẫn nghe thấy tiếng cô gái Cachia xinh đẹp trả lời: “Êgo, em sẽ sống với anh trọn đời. Em sẽ yêu anh chung thuỷ, em rất yêu anh… đừng gạt bỏ em…”

Đấy, cái tính cách Nga là như thế! Một con người chừng như là bình thường, nhưng khi gặp thử thách gay go, dù lớn hay nhỏ, ở con người ấy cũng sẽ trỗi dậy một sức mạnh vĩ đại - vẻ đẹp một con người.

A.Tonstoi