SỨC MẠNH CỦA SỰ TĨNH LẶNG <><>Sinh ra dốt nát, khi chết còn dốt nát hơn thì đó là cái tội <><>
Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016
Bốn giai thoại trong một đôi câu đối
Câu đối viết:
Bỏ gậy sắt, bỏ ngai vàng, quyết giữ nòi vàng và khoán sắt.
Vung hịch son, vung cờ đỏ, cho yên con đỏ với lòng son (1)
Có thể nói đây là một câu đối nôm hay. Chỉ có 26 chữ trong đó lặp mất 12 chữ mà rất đầy đủ ý nghĩa, dồi dào mầu sắc, nhấn mạnh được son sắt vững bền. Câu đối này nói về Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, nội dung câu đối chứa đựng đến bốn giai thoại về người anh hùng này.
Bỏ gậy sắt:
Trần Quốc Tuấn là con của An sinh vương Trần Liễu. Trần Liễu bị Trần Thủ Độ buộc phải nhường vợ cho Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông). Trần Liễu đã uất ức, đem quân chống lại nhưng không nổi, suýt bị gia hình, nhưng được Trần Cảnh tha chết. Việc thu xếp coi như yên ổn, song trong thâm tâm, Trần Liễu vẫn ôm mối hận thù. Cả hoàng tộc đều biết câu chuyện ấy, nên khi Trần Hưng Đạo được gần gũi vua Trần, nhiều người vẫn nhìn ông bằng cặp mắt nghi ngại. Biết đâu, khi thời cơ thuận lợi, Hưng Đạo lại không có một hành động phi nghĩa để trả thù cho bố?
Biết sự hoài nghi kín đáo ấy, Trần Hưng Đạo luôn luôn giữ đúng lễ vua tôi, ông toàn tâm toàn ý phục vụ các vua Trần chu đáo. Một lần, cùng Trần Nhân Tông đi dạo chơi đây đó, ông liếc thấy có người nhìn vào cái gậy ông cầm ở tay. Đầu gậy này có bịt sắt nhọn. Gậy ấy mà giáng xuống đầu ai, thì kẻ ngộ nạn chỉ có việc lìa đời! Hưng Đạo lẳng lặng bẻ cái gậy ra làm đôi, vứt đầu có bịt sắt đi, chỉ cầm trong tay một đoạn tre ngắn ngủi.
Cử chỉ ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Ông không nói một lời. Những kẻ đứng chung quanh cũng đều im lặng, có người biết, có người không. Nhưng những ai chú ý đều tỏ ra kính phục và hoàn toàn tin tưởng Trần Quốc Tuấn. Ông đã giữ gìn ý tứ để xóa mọi hiềm nghi.
Bỏ ngai vàng:
Cũng từ sự bất bình sâu sắc trên đây, Trần Liễu luôn luôn ủ ấp trong lòng mình một mối thù muốn trả. Khi sống, tự ông không hành động được gì, thì trước khi mất, ông đã gọi Trần Quốc Tuấn lại dặn dò. Ông muốn Trần Quốc Tuấn phải cướp ngôi vua để trả thù, rửa nhục cho ông.
Trần Quốc Tuấn nghe lời trối trăng của cha, không đồng tình nhưng không dám cãi. Về sau, ông có đem ý kiến này hỏi mấy viên tướng thân cận của mình như Yết Kiêu, Dã Tượng. Những người này đều nói là không nên. Chỉ có một người con trai của ông là Trần Quốc Tảng có ý muốn giành ngôi, làm cho ông rất tức giận. Ông quát mắng Quốc Tảng, cho là kẻ vong ân bội nghĩa và đuổi đi, không muốn Quốc Tảng được thấy mặt mình. Trần Quốc Tuấn đã chứng tỏ ông không ham ngai vàng. Mẩu chuyện này càng làm cho mọi người hết sức kính phục ông, tôn vinh phẩm chất của ông.
Vung hịch son, vung cờ đỏ:
Nhưng hình ảnh này muốn chỉ vào hai việc cụ thể:
- Trần Quốc Tuấn là tác giả bài Hịch tướng sĩ văn nổi tiếng.
- Ông là vị Tiết chế tổng chỉ huy, đã giương cao cờ lệnh chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông được hoàn toàn thắng lợi.
Câu đối trên đây là của cụ Quả Ngôn ở làng Hội Thống, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016
NHỮNG THIÊN THẦN CHẮP CÁNH CHO THIÊN TÀI
Nguồn: Phan Viet Hung
(Mới đọc được trên mạng Nga một câu chuyện có thật này, xin dịch nhanh chia sẻ để chúng ta cùng biết trên Trái đất này, lòng tốt, tình bạn có thể làm được những điều tuyệt vời như thế nào)
Câu chuyện xảy ra ở một ngôi trường ở thủ đô Moskva, đầu thập niên 20.
Ngày nọ, các bạn nhỏ trong lớp không thấy bạn Liova đi học. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua...Nhà Liova không có điện thoại, và theo lời khuyên của cô giáo chủ nhiệm, cả lớp đến nhà cậu bạn của mình xem tình hình ra sao.
Cô Tatyana Andreevna, mẹ của Liova ra mở cửa. Khuôn mặt cô hết sức buồn bã. Cả bọn liền nhao nhao hỏi:" Cô ơi, tại sao bạn Liova không đi học ạ?". Cô Tatyana đáp:
-Liova không thể đi học cùng các cháu được nữa. Các bác sĩ đã mổ mắt cho Liova nhưng không thành công. Liova đã bị mù và không thể tự đi được nữa, các cháu ạ.
Bọn trẻ nín lặng. Bỗng ai đó cất tiếng:
-Bọn cháu sẽ thay phiên nhau đưa bạn ấy đi học ạ.
Rồi cả bọn thay nhau nói:
-Chúng cháu đưa bạn ấy về nhà nữa.
-Bọn cháu sẽ giúp bạn ấy làm bài tập về nhà...
Người mẹ của Liova ứa nước mắt nhìn bọn trẻ. Cô đưa bọn trẻ vào phòng. Lát sau, Liova rờ rẫm bước ra, hai tay sờ soạng tìm đường. Mắt cậu băng kín mít. Thấy thế, đứa nào cũng sững người, có lẽ đến lúc này, chúng mới hiểu người bạn của mình đang gặp sự bất hạnh lớn lao đến nhường nào.
Liova cất tiếng nặng nhọc:"Chào các cậu!". Bọn trẻ liền nhao nhao:"Ngày mai tớ sẽ đến đưa cậu đi học", "Tớ sẽ giảng môn Đại số cho cậu", "Còn tớ, sẽ giúp cậu môn Lịch sử"....
Liova chả biết nghe lời bạn nào trước, cứ bối rối gật đầu Mẹ của cậu đầm đìa nước mắt khi chứng kiến cảnh đó.
Rời khỏi nhà Liova, cả lớp lên kế hoạch giúp đỡ người bạn không may của mình. Ai sẽ đến đón, ai đưa về, ai giảng lại môn nào cho bạn, ai sẽ đi dạo cùng Liova và đưa bạn ấy đến trường.
...Ở trường, cậu bạn ngồi cạnh Liova thường xuyên thì thào nói lại với cậu những gì thầy giáo viết trên bảng. Và rồi, mỗi khi Liova được gọi trả lời, cả lớp dường như nín thở. Cả lớp ai cũng vui mừng mỗi khi cậu đạt được điểm tốt (điểm 5 theo thang điểm Liên Xô), thậm chí còn vui hơn khi chính mình được điểm cao.
Liova học rất tốt. Cả lớp của Liova cũng học tốt dần lên. Là bởi vì, muốn giải thích, phụ đạo cho bạn, thì trước tiên phải nắm vững bài đã. Cả bọn ai cũng cố gắng. Mùa đông, các bạn còn đưa Liova đi trượt băng. Biết bạn mình yêu nhạc cổ điển, nhiều lúc cả lớp đi nghe hòa nhạc cùng cậu...
Liova tốt nghiệp phổ thông với bằng hạng ưu và học tiếp lên đại học. Ở đó, Liova có những người bạn mới, và họ lại tiếp tục giúp đỡ cậu (nguyên văn: họ trở thành đôi mắt của cậu). Sau khi tốt nghiệp đại học, Liova học dần lên, và cuối cùng, cậu bé mù ngày nào đã trở thành nhà toán học nổi tiếng thế giới, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô Pontryagin.
Không phụ lòng tốt, lòng tin của những người bạn học tốt bụng của mình, Liova- Lev Semyonovich Pontryagin (1908-1988) đã trở nên một trong những nhà toán học, được đánh giá là vĩ đại nhất thế kỷ XX.
VIẾT THÊM:
Theo wiki, L.S.Pontryagin đã có những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực hình học tôpô, (với đề xuất vấn đề cơ bản về lý thuyết đồng đều trong), đặt nền móng cho lý thuyết trừu tượng của biến đổi Fourier, mà ngày nay được gọi là tính đối ngẫu Pontryagin (mang tên ông).
Những nghiên cứu sau này của ông tập trung vào lý thuyết điều khiển tối ưu. Nguyên lý cực đại của ông là cơ sở cho lý thuyết tối ưu hiện đại.
L.S.Pontryagin đã được Nhà nước Liên Xô trao những giải thưởng danh giá: giải thưởng Stalin, giải thưởng Lenin, giải thưởng nhà nước Liên Xô, giải thưởng Lobachevsky, 4 lần nhận Huân chương Lenin và được nhận nhiều huân chương danh giá khác. Ông là Anh hùng lao động XHCN, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô.
Ông là Phó chủ tịch Hội toán học quốc tế (1970-1974), thành viên danh dự Hội toán học London, viện sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học Hungary.
Ông có vợ, nhưng không có con.
"Lòng tốt, dân tộc nào, thời nào cũng có. Nền giáo dục và thực tế cuộc sống đã giúp khơi dậy lòng tốt đó"
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)