Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

ĂN CHAY - ĂN MẶN TRONG ĐẠO PHẬT

#ChiasẻPháp: Liên quan đến ĂN CHAY ĂN MẶN

********************************************

Vị y sĩ hỏi Ðức Phật về thái độ của Ngài đối với việc sát sinh và cách dùng thực phẩm toàn rau quả (trường trai):

- "Bạch Thế tôn! Con nghe nói rằng nhiều súc vật bị giết vì Ngài, và Ngài dùng món thịt đặc biệt dành để cúng dường Ngài, có đúng vậy chăng?

- Nầy Jìvaka! Bất cứ ai nói như vậy là không nói sự thật. Ðúng ra, Ta nói rằng thịt không được nhận làm món khất thực trong 3 trường hợp nếu ta thấy, nghe và nghi ( con vật ấy bị giết vì vị Tỳ kheo nầy) song nếu không phải các trường hợp trên thì vị Tỳ kheo có thể thọ dụng món thịt.

Nếu một vị Tỳ kheo đi khất thực trong thôn xóm hay thị trấn với tâm từ (Mettà) biến mãn khắp mọi chúng sanh và một gia chủ mời vị ấy thọ thực ngày mai, vị ấy có thể nhận lời. Nhưng trong lúc vị ấy đang thọ thực ngày hôm sau tại nhà kia, vị ấy không nên nghĩ là vẫn ước mong được mời một bữa cao lương mỹ vị như vậy thêm lần nữa. Vị ấy nên thọ dụng món khất thực mà không tham đắm lạc thú ẩm thực. Nầy Jìvaka! Ông có nghĩ rằng một Tỳ kheo làm như vậy là tự hại mình và hại người khác không?

- Thưa không, bạch Thế tôn!

- Nầy Jìvaka! Nếu ông nói đến sự cố ý tận diệt của Ta thì điều đó chỉ đúng theo ý nghĩa duy nhất nầy: "Ta đã đoạn diệt tham, sân, si ở trong Ta khiến cho chúng không thể sanh khởi được nữa trong tương lai. Bất cứ kẻ nào sát sanh vì Ta hay một đệ tử của Ta sẽ phạm một ác nghiệp gồm có 5 phần, đó là dẫn con vật đi. hành hạ nó (lúc lôi kéo), giết chết nó và do vậy hành hạ nó thêm lần nữa và cuối cùng là cúng dường Ta và đệ tử Ta không đúng chánh pháp". (lược thuật Trung bộ số 55, kinh Jìvaka, HT Thích Minh Châu dịch)

********************************************

Phật nói về "thức ăn hôi thối" thức đồ ăn không thanh tịnh, không sạch, người đời thường đánh đồng là "ăn mặn". Hãy đọc kỹ bài kệ này.
---
Thức ăn hôi thối

Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
Ðây là đồ ăn thối,
Ăn thịt không phải thối.

Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

Ác giới, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

(Tiểu bộ kinh 1. Chương 2 - Tiểu Phẩm. Kinh hôi thối (Amagandha))
********************************************

Phật không nói về ăn chay nhưng Phật thuyết về ăn uống tiết độ:

Ăn Uống Tiết độ:

Con người thường chánh niệm,
Ðược ăn, biết phải chăng,
Chừng mực, cảm thọ mạnh,
Già chậm, tuổi thọ dài.
(Bài kệ này Đức Phật nói với đức vua Pasenadi của vương quốc Kosala, do vị vua này bị thói ăn uống vô độ làm cho khổ sở)
********************************************

Thế nào là TIẾT CHẾ ĂN UỐNG:

"Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực (ăn), không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: "Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh và các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa". Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.

Đức Thế Tôn nói kệ:
Người ưa ngủ, ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi.

********************************************

Và tại sao các Đức Phật đều chọn nghề Khất thực để nuôi mạng sống?
Nghề Khất thực: (Tung Uong Tap 3-22d)
18) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ-kheo, khi nói: "Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống". Này các Tỷ-kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra".

>>> Các vị khất sỹ xưa, chỉ ăn ngày 1 bữa và không quá Ngọ, nếu qua ngọ mà không khất thực được đồ ăn thì chấp nhận nhịn đói hôm đó.

Ngoài ra, theo mình khi đi khất thực cũng là duyên lành để cho chúng sanh có dịp tạo phước cho mình. Các vị Tỷ kheo giữ giới nghiêm ngặt, hay các vị Arahat hay Tối Thượng là Đức Phật được ví như "Phước Điền vô thượng ở đời". (mình sẽ tổng hợp vấn đề này sau)

********************************************
Ai có kiến thức về nông nghiệp, ai đã từng đi cuốc đất trồng rau trồng lạc hay không xa rời tự nhiên, thì bạn sẽ hiểu để có đồ ăn chay sẽ không có chuyện không sát sinh, bạn ăn không thấy thịt, không tự tay giết chóc, nhưng bản thân sự gieo cấy, đã có cả 1 loạt sự sát sinh rồi, chỉ có điều bạn không đi đến tận cùng nguồn gốc của thức ăn thôi. Vì sao có mùa an cư kiết hạ 3 tháng?

Ăn chay thì dễ, cả một tuổi thơ mình đã ăn :) nhưng ăn ít, ngày 1 bữa và tiết độ như một thiền sinh thì thật khó khăn. Thay vì ăn chay thường xuyên, hãy học cách ăn trong chánh niệm. Ý thức được nhu cầu thực sự của mình; học cách phân biệt giữa muốn và cần. Đào luyện cơ thể không phải là tự hành hạ mình. Bớt ngủ, bớt ăn đôi lúc có vẻ cực đoan, nhưng nó có giá trị của nó. Bạn phải thực sự muốn chống lại sự biếng nhác và phiền não.

Nếu ăn chay và ăn không cầu kỳ, ăn đủ thì càng tốt. Nhưng mình thì theo hướng ăn uống đơn giản nhất và tiện lợi nhất là được.

Mình đã thôi ăn tối hơn 1 năm rồi, gần như chỉ có bữa trưa là ăn bình thường, tất nhiên là không cực đoan, lúc nào vì công việc, bạn bè gặp gỡ, hay về nhà cùng bố mẹ, mình vẫn ăn uống bình thường, không gây phiền muộn lo lắng cho người khác. Một cách thanh lọc cơ thể rất tốt.

********************************************
Giới thiệu 2 bài kệ ngắn, có thể giúp bạn ít nhiều cái thói thèm ăn, ăn vô độ:

Thời vua Lương Võ Đế có Hòa Thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh Hòa Thượng Chí Công đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:

“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”

Khi con người còn vô minh thì sẽ không tin điều này đâu, nhưng hãy suy niệm hãy tự mình tìm lấy câu trả lời. Điều này không vô lý, cũng không phải là một sự dọa dẫm, chỉ đơn giản, ta chưa đến đc tầm hiểu biết đó.

********************************************
Ngàn năm oán hận ngập bát canh,
Oán sâu như biển hận khó tan.
Muốn biết vì sao có chiến tranh,
Hãy nghe lò thịt, lúc nửa đêm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét