Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Đậu nành, ngô biến đổi gen (GMO) giấu mặt tràn ngập thị trường Việt Nam

Chí Nhân
© Chí Nhân / Thanh Niên
Các sản phẩm đậu nành nhập khẩu được bán trên đường Trần Chánh Chiếu, Q.5 Hiện nay thực phẩm biến đổi gien (GMO) tràn ngập thị trường VN, bất kỳ ai cũng có thể đang sử dụng thực phẩm này hằng ngày mà không biết.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, khối lượng đậu nành nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 9.2015 đạt gần 1,2 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 547 triệu USD, tăng 2,1% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2014. Đậu nành được nhập chủ yếu từ Mỹ, Canada, những nước đứng đầu thế giới về diện tích cây trồng cũng như xuất khẩu đậu nành, bắp biến đổi gien.

Nhập vào rồi... biến mất ?

Trong khi đó, ở đường Trần Chánh Chiếu, Q.5, TP.HCM là nơi tập trung các vựa bán ngũ cốc. Một chủ vựa ở đây cho biết, có 2 loại nội và ngoại. Đậu nành Phương Lâm của VN có giá 20.000 đồng/kg, đậu nành nhập khẩu của Mỹ có giá 15.000 đồng/kg và đậu nành Canada 20.000 đồng/kg. Lý giải về việc đậu nành Mỹ rẻ hơn tới 25% so với đậu nội, bà chủ vựa nói: "Bên đó người ta trồng được nhiều, năng suất cao nên giá rẻ hơn đậu nành ta. Nhưng muốn làm đậu hũ hoặc nấu sữa đậu thì nên mua đậu nành VN vì thơm và béo hơn". Bà chủ vựa cũng cho biết cả 2 loại đều bán được, có người mua loại này, người mua loại kia, cũng có người mua 2 - 3 loại về pha trộn với nhau. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, hạt đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Canada to hơn đậu ta dù đậu nành Phương Lâm cũng đều hạt, óng vàng rất bắt mắt.

Một chủ vựa khác chào chúng tôi giá thấp hơn, đậu nành Mỹ chỉ 14.000 đồng/kg, đậu Canada và VN đồng giá 18.000 đồng/kg. Chủ vựa này cũng khuyên nếu mới ra nghề nấu sữa, muốn giữ khách thì nên mua đậu nành VN vì chất lượng thơm ngon hơn hẳn đậu nành ngoại. "Chỉ có mấy người nấu sữa bán ở các khu công nghiệp thì thường mua đậu nành nhập khẩu vì giá mềm hơn, người này nói. Hầu hết các chủ vựa đều không biết và không quan tâm đến thực phẩm biến đổi gien.

Nghịch lý là nguyên liệu biến đổi gien tràn ngập thị trường nhưng chưa có một loại thực phẩm nào ghi nhãn GMO. Tại chợ thực phẩm An Đông, một chị bán đậu hũ đon đả mời chúng tôi mua đậu với giá 3.000 đồng/miếng. Khi chúng tôi hỏi đậu hũ này làm từ đậu nành VN hay đậu nhập? Chị trả lời đó là đậu VN vì "chỉ có mấy công ty họ mới có khả năng nhập đậu về sản xuất đóng gói thôi". Bước vào một siêu thị lớn gần đó, riêng mặt hàng đậu hũ có đến hàng chục loại khác nhau như đậu hũ tươi, đậu hũ trứng, đậu hũ gấc, đậu hũ hạt sen, đậu hũ nấm... nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất trên bao bì ghi "làm từ 100% đậu nành VN". Các sản phẩm còn lại chỉ ghi thành phần nguyên liệu nhưng không có nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Tương tự, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu chính là đậu nành như dầu ăn, nước tương, chao... ở hầu hết siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ... đều không có nhãn GMO.

Tình trạng này phản ánh một thực tế là theo số liệu như đã nói ở trên thì đầu vào (nhập khẩu) có số lượng, thị trường có bán nhưng đầu ra (sản phẩm) thì không có, hàng triệu tấn nguyên liệu từ các quốc gia xuất khẩu, trồng cây biến đổi gien đã "biến mất" trong sự quản lý lỏng lẻo của chúng ta. 


Tràn ngập thị trường 

Trên thực tế, người VN ăn sản phẩm biến đổi gien mà không biết từ rất nhiều năm về trước. 

Từ năm 2010, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) thực hiện một khảo sát các mặt hàng nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến lưu hành tại TP.HCM, kết quả có 111/323 (chiếm gần 34,4%) mẫu sản phẩm dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos - một dạng biến đổi gien. Trong 111 mẫu nói trên, có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua... 

PV Thanh Niên đã liên hệ với Quatest 3 để biết thêm chi tiết thì được biết, Quatest 3 thực hiện khảo sát theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, từ đó đến nay chưa có nghiên cứu nào mới hơn. 

Để xác thực câu chuyện thức ăn chăn nuôi của VN phần lớn sử dụng sản phẩm biến đổi gien, chúng tôi đã phỏng vấn lãnh đạo của một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu VN có đủ các dòng sản phẩm cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Vị này cho biết: Công ty ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhưng các mặt hàng bắp, đậu nành của VN chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, số còn lại buộc phải nhập khẩu, đặc biệt là bã đậu nành. 

Khi chúng tôi đề cập đến nguồn gốc hàng nhập khẩu, vị này thừa nhận, công ty nhập các nguyên liệu này từ Brazil, Argentina hay Mỹ... là những nước cho phép trồng GMO. "VN gần đây cũng cho phép sử dụng một số sản phẩm GMO làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cũng như cho trồng GMO", lãnh đạo doanh nghiệp này phân bua. Điều này trùng khớp với thống kê của Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng đầu năm nay VN đã nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,59 tỉ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này là Argentina chiếm 42% thị phần, Mỹ chiếm 14,4%, Brazil chiếm 7,8%. Bên cạnh đó là nhập khẩu bắp đạt trên 4,6 triệu tấn, đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD. Brazil và Argientina là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 48,1% và 46,6% tổng giá trị nhập khẩu. 

Thời điểm đầu năm, trong cuộc gặp gỡ các doanh nhân Việt kiều, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, mỗi năm VN nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina... về để chế biến thức ăn gia súc và làm thực phẩm. 

TS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Úc - giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, cho biết theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ, khi con vật ăn thực phẩm biến đổi gien thì con vật đó cũng bị xem là sinh vật biến đổi gien. Như vậy, rất nhiều sản phẩm, từ những ly sữa đậu nành, miếng đậu hũ, chén nước tương, chao, chai dầu ăn... cho đến miếng thịt heo, thịt bò, tôm, cá... đang lưu hành trên thị trường mà chúng ta ăn hằng ngày đều có thể là thực phẩm biến đổi gien. Chỉ có điều, nó không được ghi trên nhãn mác nên người tiêu dùng rơi vào tình trạng, ăn mà không biết. 

Thực phẩm biến đổi gien vẫn còn là một câu chuyện gây tranh cãi trên toàn thế giới về nhiều mặt, đặc biệt là tính an toàn của nó đối với sức khỏe con người. Ở các nước cho phép sử dụng sản phẩm biến đổi gien làm thực phẩm cho con người đều kèm theo quy định bắt buộc phải dán nhãn GMO lên sản phẩm để người tiêu dùng thực hiện quyền được lựa chọn. Tuy nhiên ở VN câu chuyện hoàn toàn khác, dù từ tháng 8.2014, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho phép sử dụng bắp biến đổi gien làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Nhận xét: Thực phẩm biến đổi gen là thứ cực kỳ độc hại cho sức khỏe. Điều tai hại là như bài viết này cho thấy, không thể biết các sản phẩm đậu nành trên thị trường Việt Nam có phải được làm từ thực phẩm biến đổi gen hay không. Với một nguồn thực phẩm như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi sức khỏe người Việt ngày càng đi xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét